IPO là thuật ngữ không còn xa lại với dân tài chính và những người quan tâm đến chứng khoán. Không chỉ dành cho tiền Fiat, IPO cũng là thuật ngữ được sử dụng trong thị trường tiền ảo. Vậy IPO là gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
IPO là gì?
IPO (Initial Public Offering) để chỉ những lần phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu. Nhiều công ty chọn cách huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu. Cổ phiếu là một loại chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ chứng nhận việc một người đầu tư vào công ty phát hành cổ phiếu.
Có nhiều cách phát hành cổ phiếu như Public (phát hành ra công chúng) hoặc Private (phát hành riêng lẻ). Và nếu đó là lần đầu tiên công ty huy động vốn từ công chúng sẽ được gọi là Lần phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu, hay gọi ngắn gọn là IPO.
Đối với các công ty truyền thống, họ có nhiều lựa chọn để tăng vốn cần thiết cho việc phát triển và mở rộng. Một công ty có thể bắt đầu với quy mô nhỏ và tăng trưởng lợi nhuận theo quy mô.
Tuy nhiên, các công ty cũng có thể xem xét các nhà đầu tư bên ngoài để hỗ trợ sớm, cung cấp cho họ một dòng tiền nhanh chóng nhưng thường đi kèm với việc đánh đổi một phần quyền sở hữu. Một phương pháp cho thấy các công ty đi công khai, kiếm tiền từ các nhà đầu tư cá nhân bằng cách bán cổ phiếu thông qua một đợt chào bán công khai ban đầu (IPO).
ICO là gì?
Nếu nhắc đến IPO không thể không nhắc đến ICO. Hãy tìm hiểu thêm để biết được sự khác nhau giữa hai thuật ngữ này nhé.
ICO (Initial Coin Offering) là lần phát hành Coin hoặc Token (Mã thông báo) đầu tiên trong những đợt Crowsale. ICO được thực hiện nhằm đạt được vốn cần thiết cho việc phát triển sau này hoặc để đáp ứng một loạt các mục tiêu kinh doanh khác.
Để đổi lấy khoản đầu tư của công ty đó, những người tham gia ICO thường nhận được một số tiền tệ kỹ thuật số, thường được sử dụng làm tiền tệ trên các Nền tảng phát hành ICO tiềm năng.
Hầu hết các ICO thành công đều phải phát hành Whitepaper bên cạnh giá tiền ảo, tổng số tiền ảo, ngân sách hoặc phân bổ các mã thông báo và lộ trình thời gian mà tổ chức sẽ tuân theo quy trình phát triển. Một ICO hiệu quả còn thường đính kèm những phân tích của đội ngũ phát triển nhằm thể hiện sự minh bạch.
Các điểm khác biệt giữa ICO và IPO
Các điểm khác biệt giữa ICO và IPO có thể dễ dàng thấy thuật ngữ ICO liên quan đến tiền ảo và Công nghệ Blockchain. Trong khi IPO chỉ đơn giản là sự phân phối cổ phần cho công chúng lần đầu tiên thông qua các ngân hàng đầu tư được gọi là bảo lãnh.
Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiến hành IPO. Chỉ những công ty tư nhân được thành lập và đi vào hoạt động được một thời gian mới được phép thực hiện IPO. Do đó, ngay cả các dự án có quy mô và tầm nhìn lớn cũng không thể tiến hành IPO ngay được. IPO sẽ đem đến nguồn vốn mới cho một công ty bền vững thể hiện qua số năm hoạt động, tài nguyên đang nắm giữ và bộ máy công ty được thiết lập tốt.
Ngược lại, hầu hết các công ty thực hiện ICO thường không có sẵn sản phẩm để trình bày trước công chúng – những nhà đầu tư tương lai của họ. Cái họ đưa ra chỉ là kế hoạch dự án, tầm nhìn, tham vọng phát triển.
Tuy những thông tin này có thể được xây dựng chỉnh chu và bài bản, nhiều dự án tiền ảo thực hiện ICO vẫn chưa đưa ra được sản phẩm thực tế của họ (đồng tiền ảo) cho công chúng. Dự án có thể tiến hành ICO chỉ thông qua MPV được thể hiện trên Whitepaper với sản phẩm có giá trị tối thiểu, quan hệ đối tác và quan hệ truyền thông.
Về lợi nhuận, công ty tiến hành IPO sẽ phải cung cấp cổ tức từ lợi nhuận của công ty. Trong khi ICO cung cấp cho nhà đầu tư số tiền ảo tương ứng với mức giá có thể tăng lên từng ngày nhờ sự tin tưởng vào dự án của công chúng. Đây là sự tin tưởng đến từ một nhóm người thực hiện dự án nên mang tính may rủi cao.
Cơ sở pháp lý của dự án IPO và ICO cũng không giống nhau. Trước khi tiến hành IPO, công ty có nghĩa vụ phải đưa ra được bằng chứng hợp lý cho các bên liên quan và các tổ chức được uỷ quyền. Mặt khác, các ICO nằm ngoài ranh giới, các nền tảng phi tập trung nằm trên biên giới quốc tế, điều này làm cho việc xây dựng một hệ thống quản lý rõ ràng trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, IPO hoạt động tốt khi được tập trung và do một công ty nắm quyền kiểm soát. Trong khi ICO hoạt động tốt khi có nguồn mở và phân tán quyền.
Điều kiện để thực hiện IPO
Các công việc khi công ty khi tiến hành IPO?
- Phải công bố thông tin về việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng qua phương tiện thông tin đại chúng (thường các công ty có thể đăng thông tin trên website của mình hoặc sàn giao dịch chứng khoán mà công ty đó đăng ký);
- Phải chào bán cổ phiếu cho ít nhất một trăm nhà đầu tư (không kể những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp);
- Cổ phiếu phải được chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định;
IPO ở Việt Nam phải đáp ứng được những điều kiện như thế nào?
- Hoạt động kinh doanh của công ty phải sinh lời trong vòng nhiều năm trước thời điểm đăng ký chào bán, đồng thời không được có lỗ luỹ kế;
- Công ty có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán ít nhất 10 tỷ đồng (tính theo giá trị trên sổ kế toán);
- Phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán.
Trên đây là những điều kiện cơ bản để một công ty ở Việt Nam thực hiện IPO. Tuỳ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà còn có một số điều kiện bắt buộc đi kèm khác.
Những điều cần lưu ý khi đầu tư IPO
Đầu tư dưới bất kì hình thức nào cũng đem lại rủi ro nhất định, và đầu tư vào IPO cũng không phải ngoại lệ. Vậy bạn cần chú ý những gì để đầu tư IPO có hiệu quả?
Rủi ro trong định giá
Điều quan trọng nhất trong đầu tư IPO là nhà đầu tư phải hiểu được giá trị thực sự của sản phẩm mình đang đầu tư vào. Mục đích của đầu tư là để sinh lời, vậy việc khoản đầu tư của bạn sẽ sinh lời bao nhiêu và sinh lời trong bao lâu là điều rất quan trọng. Nhiều người thường vướng phải rủi ro khi đầu tư IPO là vì không định giá được chính xác giá trị khoản đầu tư của mình.
Nắm được giá trị hiện tại
Theo chuyên gia ngành kiểm toán Safal Niveshak, giá trị của cổ phiếu trong những lần chào bán ra công chúng đầu tiên thường được định giá cao hơn so với giá trị thực tế. Do đó, nhà đầu tư không mua được giá tốt như họ tưởng mà là giá trị đã bị đôn lên sau một quá trình thẩm định và định giá. Do vậy, việc nắm được giá trị hiện tại của cổ phiếu đó lúc IPO để tránh bị “mua hớ” là điều khá quan trọng.
Rủi ro sau khi IPO
Trong đa số các trường hợp IPO, cổ phiếu tiếp tục trải qua các vòng đấu giá qua các bên thứ ba như ngân hàng bảo lãnh, nhà môi giới, nhà đầu tư mạo hiểm,… khiến cho giá trị của cổ phiếu được đôn lên nhanh chóng và gấp nhiều lần so với giá khi IPO. Tuy nhiên, đây không phải là quá trình tăng giá bền vững và dễ gặp phải những đợt sụt giảm giá mạnh làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty và lợi ích của cổ đông.
Nhìn chung, IPO và ICO đều có bản chất giống nhau ở chỗ cả hai đều là hình thức huy động vốn của một nhóm người. Tuy nhiên, IPO dành cho những công ty còn ICO lại dành cho những dự án tiền ảo.